Xa Gần Cao Thấp

Chương 23: 23: Đàn Ông Trong Tiệc

Chương trước Chương sau
Đàn ông trong tiệc ...... Thành phố Bách Châu bước vào năm 2004 giữa tiếng gầm vang của máy trộn, máy cẩu và xe chở đất. Du Nhậm, người chỉ được nghỉ một ngày vào Tết Nguyên Đán, được mẹ đưa đi dự tiệc tối với bạn bè. Du Hiểu Mẫn có ý muốn cạnh tranh vị trí phó viện trưởng, việc duy trì và bồi đắp mối quan hệ lúc này càng trở nên cấp bách hơn. Ngoài ra, ông Tả - người cạnh tranh với cô gần đây - cũng đang hết sức phát huy thực lực của mình, đã không biết bao nhiêu lần Du Hiểu Mẫn thầm so sánh mình với ông Tả. Xét về chức danh, chức vụ và thành tích trong nghề, ông Tả và Du Hiểu Mẫn ngang tài ngang sức. Tuy nhiên, xét về chất lượng và số lượng luận văn đã được công bố, Du Hiểu Mẫn vẫn giữ vững vinh dự là người đứng thứ ba về nghiên cứu khoa học cấp huyện và nằm trong top đầu đẳng cấp tại Bệnh viện Trung ương Thành phố. Một trong những bất lợi của cô là "mối quan hệ": Nhà ông Tả có hai thế hệ cày sâu vào hệ thống y tế đã nhiều năm, có nhiều họ hàng phân bố tại các đơn vị quyền lực lớn trong Bách Châu. Mạng lưới quan hệ là một tấm danh thiếp, là chứng thực cho sức mạnh và là một quả cân đo lường sự được và mất của lòng người. Về mặt này, Du Hiểu Mẫn kém hơn rất nhiều, dù sao cô cũng chỉ là con gái của bí thư thôn. Nếu cô không ly hôn với Nhậm Tụng Hồng, dựa vào chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Thành phố kiêm Phó tổng thư ký Chính quyền Thành phố hiện nay của Nhậm Tụng Hồng, cô sẽ có thêm sức nặng vô hình. Nhưng ly hôn được mấy năm, Nhậm Tụng Hồng lập gia đình với người khác, có một đứa con trai với Liêu Hoa, lại được chuyển từ huyện đến thành phố Bách Châu. Trong mắt người ngoài, đúng là chuyện tốt nhân đôi. Du Hiểu Mẫn còn có một nhược điểm bẩm sinh: Cô là phụ nữ. Trong ban lãnh đạo bệnh viện đã có một nữ phó chủ tịch, chủ tịch công đoàn mới cũng là nữ. Cô từng nghe một câu nói rằng: "Âm thịnh, dương suy thì ra cái thể thống gì? Bệnh viện lớn như vậy cần có nhiều nam giới hơn." Nhưng nếu có một cơ hội, cô sẽ dùng hết 12 phần sức lực mà cô có, nhất quyết không tin vào thế mạnh tà ác, nhất quyết không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào có thể cộng điểm cho mình, Du Nhậm chính là một trong số những điểm cộng đó. Mặc dù không vào được lớp thực nghiệm nhưng Du Nhậm vẫn đứng trong top 20 của khoá và đứng nhất lớp trong kỳ thi cuối kỳ. Ngược lại, Tả Hạc Minh, con trai của ông Tả vào lớp thực nghiệm nhờ điểm cộng lại rất không phù hợp với phong cách dạy và tiến độ ở đó. Được 5 gia sư tại nhà kéo bở hơi tai, Tả Hạc Minh xếp thứ 60 trong kỳ thi cuối kỳ và xếp cuối cùng trong lớp thực nghiệm. Đến trường Số 8 họp phụ huynh, hôm đó sắc mặt Du Hiểu Mẫn rất hồng hào, sau khi khiêm tốn nghe giáo viên tuyên dương và động viên, cô nói: "Đứa trẻ này vẫn rất ham chơi lắm, chưa cố gắng hết sức đâu." Giáo viên chủ nhiệm của Du Nhậm đồng tình: "Du Nhậm nhiều lúc tự học buổi tối xong hay đọc tiểu thuyết, nếu thời gian ấy đầu tư vào việc học sẽ tốt biết mấy? Chỉ cần môn hoá được thêm 5 điểm là được lọt vào top 10 của khoá." Nghe xong, Du Nhậm cay đắng không sao giải thích được, tại sao những người lớn luôn chê trách con cái không phát huy hết sức lực trong khi bản thân mải mê đánh bài, tụ tập ăn uống và ca hát không ngừng? Du Nhậm tự hỏi, cô chưa bao giờ ngừng cố gắng trong học tập, chỉ trừ hai ngày hồn treo trên mây sau cái hôm được Bạch Mão Sinh hôn lên má. Hạ mình trước mặt giáo viên xong, Du Hiểu Mẫn vẫn khen con gái trên đường về nhà: "Đấy, chính là muốn cho mấy người họ thấy con gái mẹ mạnh mẽ như thế nào! Không vào lớp thực nghiệm thì có sao? Tiền bạc chỉ tổ làm họ mù quáng." Dẫn "điểm cộng" đến nhà hàng Phúc Lâm Giang đã hẹn trước, Du Hiểu Mẫn chào hỏi và hàn huyên lịch sự với chủ nhà hàng trước cửa. Qua giới thiệu, Du Nhậm được biết bà chủ họ Trương này ngày xưa làm tiếp thị y dược, kiếm chác rất khá, nhưng do quá mệt mỏi vì suốt ngày suốt đêm nằm vùng tại bệnh viện xây dựng mối quan hệ, bà chủ họ Trương bèn lấy tiền tiết kiệm và hợp tác mở một nhà hàng chuyên về ẩm thực Hoài Dương và ẩm thực Tứ Xuyên đa dạng, rất ăn khách trong những năm gần đây. Du Hiểu Mẫn đã đặt căn phòng riêng lớn nhất trước một tuần. Cầm cuốn sách của Maugham theo người, Du Nhậm ngẩng mặt lên chào bà chủ, bỗng nghe người phục vụ nói: "Phòng 1 mời đi lối này." Du Nhậm quay đầu lại, bất ngờ bắt gặp ánh mắt của Ấn Tú. Ấn Tú mặc một chiếc áo kép cách tân kiểu Trung Quốc, một bộ sườn xám đỏ tươi ôm sát vào người, kỳ lạ thay, cô ấy mặc như vậy trông không quê mùa chút nào, ngược lại còn rất trong sáng và thuần khiết. Nụ cười nhiệt tình của Ấn Tú cứng lại trong giây lát khi thấy Du Nhậm, sau đó, hốc mắt và khoé môi càng thêm sâu, nói với Du Nhậm: "Mời đi theo tôi." Du Hiểu Mẫn liếc nhìn Ấn Tú, khen ngợi với bà chủ: "Ồ, lại đổi nhân viên chính à, thật xinh quá." Nghe thế, Ấn Tú cười thật chín chắn với Du Hiểu Mẫn: "Cô đã quá khen. Đây là con gái của cô à? Không thể tin được con cô đã lớn thế này." Câu này được lòng rất nhiều người, là thật hay nịnh đều không quan trọng, quan trọng là hợp với hoàn cảnh. Quả nhiên, Du Hiểu Mẫn cười với bà chủ: "Bà chủ à, chị xem xem, nhân viên của chị đúng là truyền nhân của chị." "Chị gì mà chị? Trông vẫn giống 25, 26 tuổi mà. Lát nữa cô ấy sẽ vào phòng riêng, có gì cứ nói cho Ấn Tú là được." Bà chủ nháy mắt với Ấn Tú, cô lập tức duyên dáng duỗi tay dẫn đường, vừa đi vừa làm thân: "Chị à, em là Tiểu Ấn. Chờ khách đến đủ em sẽ dọn đồ ăn lên. Em pha trước cho chị trà Minh Tiền ngon nhất chỗ em nhé." Chị...!chị? Du Nhậm nhìn Ấn Tú, sao chỉ trong tức khắc Ấn Tú đã biến thành cô của mình? Lại còn chu đáo bưng đĩa trái cây lên cho mình: "Em gái muốn gọi đồ uống gì trước?" Du Nhậm nói không cần đâu, em tự mình rót là được. Ấn Tú vẫn tươi cười rót trà nóng cho Du Nhậm, nói chuyện với Du Hiểu Mẫn rồi quay lại sảnh nhà hàng đón khách. Vì Viên Liễu, Du Nhậm và Bạch Mão Sinh đã đến chỗ trọ của Ấn Tú vài lần. Đứa ba đã biết hàng chục Hán tự và nhớ phép cộng bảng cửu chương, trong khi Bạch Mão Sinh ngủ trưa nhiều giấc trong căn phòng nhỏ của Ấn Tú. Du Nhậm và Ấn Tú không có nhiều cơ hội nói chuyện riêng, sau nhiều lần gặp mặt, họ chỉ gật đầu xã giao. Trong lòng Du Nhậm có một khúc mắc nhỏ: Ấn Tú lớn hơn cô hai tuổi đã thơm lên má Bạch Mão Sinh. Mặc dù Bạch Mão Sinh nói chỉ là đùa, nhưng sự ích kỷ nho nhỏ trong lòng Du Nhậm bộc phát: Mình còn chưa được thơm mà? Ngoài vướng mắc này ra, cô có ấn tượng tốt về Ấn Tú. Không chỉ vì căn phòng nhỏ ấm cúng được trang trí gọn gàng của Ấn Tú, còn vì những túi thức ăn Ấn Tú hay dúi cho cô: "Đây là món đặc sản của nhà hàng chị. Mang về nhà chỉ cần hâm nóng 5 phút là được." Ấn Tú rất chu đáo, cô luôn bày đồ ăn mỗi lần tiếp đãi người không phải khách như Du Nhậm, chứ không chỉ để dành cho Mão Sinh. Cho dù Ấn Tú có thể nhận ra cô đến nhà Viên Huệ Phương chỉ vì đứa ba chứ không phải vì Ấn Tú. Du Nhậm vừa ghen tị vừa khâm phục sự chu đáo và lịch sự của Ấn Tú, chưa đầy 18 tuổi nhưng biểu cảm và giọng điệu khi đưa mẹ con họ vào phòng nom rất trưởng thành như đã 24 - 25 trong bộ sườn xám tôn lên vóc dáng mảnh dẻ mà thanh tú. So với Ấn Tú, Du Nhậm mặc áo hoodies và áo khoác phao cảm thấy mình vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Là một thành viên bước chân vào thế giới người lớn, Ấn Tú đã quen tay hay làm những kiểu bữa tối này. Cô mỉm cười cầm chai rượu đứng sau bà chủ, khẽ cười theo những câu chuyện vui trong phòng, nhanh chóng duyên dáng rót rượu ngay khi nhận thấy dấu hiệu khách mời nhau uống. Cô đứng ở rìa bữa tiệc như đứng ngoài cuộc, nhưng vẫn có thể nắm bắt thời cơ chen miệng cho lửa cháy thêm dầu. Cho đến khi một người đàn ông mặt đỏ bừng nắm lấy cổ tay Ấn Tú đang rót rượu, đôi mắt đỏ vì say của ông ta tràn ngập cảm giác trêu chọc ngấp nghé đã lâu: "Em gái, em rót cho anh bao nhiêu chén rồi? Anh mà say không bước nổi là anh sẽ tìm em đấy." Người đàn ông tự nhận mình là "anh" đây chính là bố của Chúc Triều Dương. Đây là điều khiến Du Hiểu Mẫn ghê tởm nhất khi ăn uống cùng đàn ông, nhưng cô không thể làm ầm lên khiến mọi chuyện mất vui. Cô cười với người đàn ông ấy: "Em gái lớn bảo em gái bé rót rượu cho anh, nếu anh say quá không đi được, ngoài tìm em gái bé ra, anh có muốn gây chuyện với em gái lớn không?" Chuyện đối phó với những tình huống thế này chỉ như cá gặp nước đối với Du Hiểu Mẫn, nhưng cô vẫn liếc nhìn Du Nhậm khi nói lời này. Giữa tràng cười vang trong bữa tối, người đàn ông liên mồm nói: "Không dám, không dám." Du Nhậm đã hiểu những câu đùa thế này. Cô cảm thấy vô cùng khó chịu, mặc dù cô hiểu trong lời mẹ nói không có ý gì khác. Rượu vào lời ra được gọi là "nghệ thuật", những lời hứa trong hơi men đều nửa thật nửa giả, tấm chân thành chỉ là do rượu quấy phá mà nên, chính thế mà "tình tứ" cũng chỉ là ảo giác của con người. Không những thế, có một quy luật bất thành văn ai ai cũng hiểu: trên bàn tiệc rượu, phụ nữ luôn chịu thiệt. Đàn ông có thể sàm sỡ, có thể tán tỉnh, nhưng phụ nữ không được "coi là thật". Lật bàn thì dễ, tiếp tục nhận biết "tình cảm" mới khó. Du Nhậm nhìn thấy người đàn ông say bí tỉ nắm cổ tay Ấn Tú, trên mặt Ấn Tú nở nụ cười ngượng ngùng, gỡ tay ra rồi rót cho người nọ một chén nữa. Cuối cùng người đàn ông cũng buông tay ra, Ấn Tú vẫn cười, nhìn những vị khách đang uống rượu, thấy ai cần thì sẽ rót thêm. Cổ tay cô bị nắm đỏ bừng như thể vừa được giải thoát khỏi chiếc còng tay lạnh lẽo. Nhưng cô không có thời gian nhìn cổ tay mình, công việc của cô là ẩn mình trong khi khách hàng bước vào cuộc vui tiếp theo. Chủ đề quay về chuyện học hành rắc rối của con trẻ, bố của Chúc Triều Dương say rượu bắt đầu trước: "Con tôi tuy cũng được vào trường Số 8, nhưng nó vẫn không chuyên tâm." Nói xong, ông lại nhìn Du Nhậm, vẻ mặt hòa nhã và dễ gần hơn nhiều, không hề có bộ dạng say xỉn như ban nãy: "Mặc dù Thái Thái không còn học cùng lớp với Chúc Triều Dương, nhưng nể tình hai đứa là bạn suốt ba năm cấp 2, có thời gian thì cháu hãy khuyên thằng bé giúp chú nhé." Du Nhậm và Chúc Triều Dương học khác lớp, cơ hội gặp mặt nhau cũng giảm đi nhiều. Nhưng Chúc Triều Dương vẫn dai dẳng mua đồ ăn vặt và quà cáp tặng Du Nhậm, chuyện này Du Nhậm lười nói cho Bạch Mão Sinh và Du Hiểu Mẫn biết, chỉ tự mình giải quyết. Cách giải quyết rất đơn giản, cô đem đồ được tặng đến bàn giáo viên chủ nhiệm của Chúc Triều Dương sau giờ học, để lại một tờ giấy nhắn: Chào thầy, đây là quà mà bạn Chúc Triều Dương lớp thầy tặng em, em muốn nhờ thầy trả lại giúp em do không tiện vào lớp thầy. Người gửi: Một học sinh nữ. Cò cưa qua lại ba lần, Chúc Triều Dương mới chịu thôi, gần đây cậu ấy đổi sang tặng quà cho một bạn nữ cùng lớp. Nhưng bố của Chúc Triều Dương là người nắm chức to thứ ba trẻ tuổi nhất trong hệ thống, Du Nhậm hiểu rõ cái lợi và điều hại, cô ngoan ngoãn gật đầu: "Vâng thưa chú." Mọi người hỏi Du Nhậm chuyện học hành thế nào, sắc mặt Du Hiểu Mẫn hơi sầm lại, lắc đầu nói: "Vẫn thế thôi, không vào lớp thực nghiệm, chỉ xếp thứ 12 toàn khoá, nhưng con bé vui là được. Học được đến đâu còn phải xem bản thân con bé, tôi không gây áp lực gì". Nghe vậy, Du Nhậm thở dài trong lòng, đến khi nào Du Hiểu Mẫn mới có thể quang minh chính đại nói: "Con tôi đã rất nỗ lực, tôi rất vui vì con gái học được đến trình độ này"? Những người khác không đi theo mạch suy nghĩ của Du Hiểu Mẫn, lọt vào top 20 của trường Trung học Phổ thông Số 8 đồng nghĩa với tiềm năng đậu Thanh Hoa, Bắc Đại, Phúc Đán và Giao thông Thượng Hải. Ai nấy đều hết lời khen ngợi Du Nhậm thông minh, chắc chắn sẽ là một sinh viên giỏi tại một ngôi trường danh giá giống mẹ. Đắm chìm trong những lời khen chân thành và dối lòng lẫn lộn, Du Nhậm phát hiện ánh mắt sâu thẳm của Ấn Tú đang nhìn mình, tại một góc khuất tĩnh lặng. Ngồi trong căn phòng bật điều hòa 30 độ nồng nặc mùi rượu và mùi đồ ăn, Du Nhậm chỉ thấy đau đầu. Đang lúc muốn tìm cơ hội lẻn ra ngoài, ông bố luôn mồm "anh anh em em" của Chúc Triều Dương lại kéo Ấn Tú lại. Ấn Tú vẫn lịch sự mỉm cười mà không thoát ra, càng kích thích người đàn ông được đằng chân lân đằng đầu. Ông rút tay còn lại ra nắm chặt lòng bàn tay của Ấn Tú: "Em gái à, anh chóng mặt thì phải làm sao đây?" Có người còn cười: "Anh Chúc à, anh lại làm nũng với cô gái này sao?" Ông Chúc là người có địa vị cao nhất trong bàn, không ai dám làm cụt hứng ông ấy thật. Bọn họ đã thấy quá nhiều chuyện như vậy, cũng không ai để vào mắt sự bối rối của Ấn Tú, chỉ có Du Hiểu Mẫn là người không vui - cô con gái mới học lớp 10 của cô vẫn đang ngồi bên bàn, vậy mà ông Chúc lại làm chuyện bất lịch sự thế trước mặt trẻ con. "Chú, cháu chúc chú một chén." Du Nhậm đứng dậy, nâng chén sữa chúc ông Chúc, ông Chúc sững sờ một lát, sau đó vui vẻ buông tay ra nâng chén lên: "Cháu gái của chú, cựu lãnh đạo của con trai nhà chú nâng chén chúc mừng chú, sao có thể không uống được? Nào, chú cảm ơn Du Nhậm." Ông sảng khoái nốc cạn chén. Du Nhậm cũng uống một ngụm sữa, trước khi ngồi xuống, cô lén nhìn Ấn Tú, thấy Ấn Tú lui về phía bàn rượu trong góc mới thở phào nhẹ nhõm. Du Nhậm rèn sắt khi còn nóng, nhìn Du Hiểu Mẫn: "Mẹ, chú Chúc luôn rất tốt với con. Chúc Triều Dương và con cũng là bạn học ba năm, chúng con chơi với nhau rất vui vẻ. Mẹ có nên uống một chén với chú Chúc không?" Một tia nghi ngờ xoẹt qua mắt Du Hiểu Mẫn, sau đó cô nâng chén cụng với ông Chúc theo lời con gái mình. Ông Chúc cười: "Đúng! Cần uống, cần uống." Uống xong chén này, Du Nhậm tự mình bưng trà nóng đến cho ông Chúc: "Chú, rượu nhiều có hại cho sức khỏe, cháu mời chú uống chút trà cho tỉnh rượi." Nghe xong, ông Chúc giơ ngón tay cái lên với Du Hiểu Mẫn: "Ôi trời, Hiểu Mẫn à, con gái cô đúng là!" Câu nói cũ của ông lại bật ra: "Thà đẻ con gái còn hơn! Thà đẻ con gái còn hơn!" Du Nhậm quay đầu lại nhìn Ấn Tú, mỉm cười với cô, nói: "Chị, phiền chị mang đồ ăn lên cho bàn em nhé? Trong mắt Ấn Tú tràn đầy cảm kích và kinh ngạc lẫn lộn, nhanh chóng gật đầu: "Được, để chị đi giục bếp." Xong xuôi, Du Nhậm trở về chỗ ngồi, chợt phát hiện mẹ đang nhìn mình đầy ẩn ý. Cô giả vờ không biết, tiếp tục mỉm cười rạng rỡ với vai trò là một sinh gia giáo và xuất sắc của trường Số 8. Đột nhiên, có một ý nghĩ nảy ra trong đầu Du Hiểu Mẫn: "Thật là giống Nhậm Tụng Hồng." .......

Chương trước Chương sau

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.